Friday, May 28, 2010

Giáo dục trực tuyến trở thành tiêu chuẩn trong đào tạo nhân viên

Giáo dục từ xa không còn là chuyện của tương lai nữa. Ngày càng có nhiều người tham gia vào các khóa học trực tuyến, và nó đã dần trở thành tiêu chuẩn trong đào tạo nhân viên tại nhiều cơ quan của Mỹ.
Theo kết quả điều tra năm 2009 của Sloan Consortium, đã có hơn 4,6 triệu học viên tham gia ít nhất một khóa học trực tuyến trong học kỳ mùa thu năm 2008, tăng 17% so với năm trước đó. Con số này vượt xa tỷ lệ tăng trưởng của tổng số học viên cao học là 2,1%.
Nhờ có sự phát triển của công nghệ tiên tiến, nhiều cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang tận dụng hình thức giáo dục trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí, ví dụ như Không quân Hoa Kỳ.
Theo ông Michael Haeroff, trưởng phụ trách hệ đào tạo dân sự của Không quân Hoa Kỳ, cơ quan này đã chuyển đổi hoàn toàn các khóa học đào tạo giám sát viên và định hướng cho nhân viên mới sang hình thức đào tạo trực tuyến thông qua một trường đại học ảo. Các chương trình định hướng bắt đầu từ tháng 8/2009 và đã thu hút hơn 8000 nhân viên tham gia. Còn các khóa đào tạo giám sát viên bắt đầu từ tháng 11/2009 sẽ là nguồn đào tạo duy nhất cho 4000-5000 giám sát viên mới mỗi năm. Đây là các lớp học có giảng viên, học viên sử dụng webcam để tương tác với giáo viên và các học viên khác. Sau đó họ làm việc theo nhóm để hoàn thành các bài tập được giao. Chương trình đã nhận được những phản hồi ban đầu rất tích cực.Theo ông Hameroff, Không quân Hoa Kỳ sẽ tiết kiệm được khoảng 560.000 - 600.000 USD mỗi năm nhờ hình thức đào tạo trực tuyến này.Chương trình cao học do Không quân Hoa Kỳ tài trợ
Ngoài những khóa học đã đề cập như trên, trong năm 2008, Không quân Hoa Kỳ còn tổ chức một chương trình thạc sĩ cho một số lượng hạn chế các nhân viên mới thuộc hệ dân sự. Chương trình đã thu hút sự quan tâm lớn với hơn 600 đơn đăng ký. Tuy nhiên trong mỗi năm 2008 và 2009 chỉ có 150 người được chấp nhận vào học.
Đại học HHS (thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội Hoa Kỳ)
Đại học HHS cung cấp các khóa học trực tuyến cho nhân viên Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội Hoa Kỳ, nhằm thỏa mãn cả nhu cầu đào tạo cơ bản và đào tạo nâng cao.
Website của trường, learning.hhs.gov, đóng vai trò như một "cộng đồng hành nghề", cũng cung cấp các công cụ cho phép những người bị ngăn cách về vị trí địa lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình, như thư viện điện tử hay góc phản hồi của chuyên gia.
Hơn 5000 nhân viên tham gia vào khoảng 500 khóa học có giảng viên mỗi năm. Trong đó một số lớp là khóa đào tạo từ xa. Việc đăng ký học các lớp này được thực hiện thông qua một hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến.

Tuesday, May 25, 2010

Hiện trạng đào tạo trực tuyến ở Việt Nam

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo trực tuyến (ĐTTT) đang là một loại hình cần được nhân rộng nhằm tạo cơ hội cho người học có thể tự học, tự nghiên cứu và trau dồi kiến thức.

Lợi ích của đào tạo trực tuyến

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng lớn, hệ thống trường lớp tuy đã được đầu tư phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng song cũng không thể đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người học. Trước thực tế đó, Đảng ta nêu ra định hướng “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”.

Từ định hướng trên, Ngành GD&ĐT đã xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010, trong đó nhấn mạnh “Phát triển giáo dục không chính quy như là một hình thức huy động tiềm năng của cộng đồng, để xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, mọi nơi có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực”. ĐTTT là một trong những phương thức đào tạo góp phần thực hiện mục tiêu trên.

Có nhiều đổi mới và tiến bộ so với các hình thức học truyền thống, học trực tuyến hứa hẹn cung cấp cho học viên sự kết hợp hoàn hảo của Nghe, Nhìn và Sự chủ động. ĐTTT giúp cho việc đào tạo hiệu quả tới được nhiều đối tượng học viên khác nhau, cắt giảm được chi phí in ấn, xuất bản và phân phối. Người học trực tuyến có thể chủ động lựa chọn những kiến thức phù hợp với mình so với các hình thức áp dụng thụ động trên lớp.

090920_DTTT

CNTT giúp mở rộng các mô hình đào tạo trực tuyến.

Thêm vào đó, ĐTTT đồng bộ giúp người học có khả năng tự kiểm soát cao thông qua việc tự đặt cho mình tốc độ học phù hợp, bỏ qua những phần hướng dẫn đơn giản không cần thiết mà vẫn đáp ứng được tiến độ chung của khóa học.

Ngoài ra tiết kiệm được chi phí đào tạo cũng là một lợi thế mà ĐTTT đem lại. Lương của giáo viên, chi phí thuê phòng học, chi phí đi lại ăn ở cho học viên, giảm chi phí hao tổn năng suất do thời gian học viên phải đi học. Tận dụng được nguồn giảng viên chất lượng cao từ nhiều nơi trên thế giới, giảm thời gian học khoảng 40- 60%, nội dung truyền tải nhất quán, phù hợp với yêu cầu của người học; kết quả hoàn thành chương trình đào tạo được tự động hóa và được thông báo chính xác, khách quan.

Đối với học viên, kèm theo việc tăng khả năng tiếp tục đáp ứng được công việc, giảm thời gian học, học viên còn có thể học mọi lúc, mọi nơi cho phép học viên có thể hoàn thành chương trình đào tạo một cách thuận tiện ngoài giờ làm việc hay ở nhà.

Đào tạo trực tuyến ở Việt Nam

Với việc Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, giáo dục Việt Nam đang đứng trước những thách thức đào tạo những công dân tương lai có đầy đủ năng lực, trí tuệ, khả năng tự học, tự nâng cấp mình trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Hình thức ĐTTT không còn xa lạ trên thế giới. Theo Cyber Universities, gần 90% trường ĐH tại Singapore sử dụng phương pháp ĐTTT và ở Mĩ con số này là hơn 80%. Tại Việt Nam, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin kéo theo số người sử dụng Internet tăng vọt. Cùng với sự phát triển nhanh chóng này, cách làm việc, học tập, giải trí của người sử dụng Internet tại Việt Nam cũng thay đổi theo những công thức mới.

Ở Việt Nam hiện nay có thể tìm thấy chương trình ĐTTT với 3 kênh chính: của các trường đại học trong nước, các chương trình từ nước ngoài đưa vào Việt Nam và của các công ty lập ra.

Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều động thái tích cực nhằm khuyến khích đưa CNTT vào giảng dạy, đưa các kiến thức về ĐTTT tới những cán bộ quản lý, nhà giáo, những người quan tâm tới giáo dục, học sinh- sinh viên. Hiện nay chúng ta đã xây dựng được website e- learning http://el.edu.net để tuyên truyền, phổ cập công nghệ. Đã Việt hóa phần mềm mã nguồn mở Moodle (để xây dựng và quản lý hệ thống học tập trực tuyến), đã sử dụng công nghệ SCORM (chuẩn được thế giới công nhận, để có thể hợp tác và phát triển trong lĩnh vực CNTT) và đang triển khai chuyển giao các phần mềm công cụ tạo bài giảng đạt chuẩn quốc tế miễn phí giúp xuất bản các định dạng file tuân chuẩn SCORM như Exe, Lectora, Voilet…phù hợp với nhu cầu của nước ta.

Bộ GD%ĐT đã kết nối đường cáp quang 34 Mbps trong nước và 2 Mbps đi quốc tế. Viettel cung cấp gói Net+ (gói chất lượng cao nhất) tới các cơ sở giáo dục. Kết nối cáp quang từ Bộ về các Sở GD&ĐT với băng thông 4 Mbps…

Tuy nhiên ĐTTT ở nước ta hiện nay mới đang ở mức sơ khai, số lượng và chất lượng chưa cao, phạm vi và đối tượng tham gia còn hạn chế, thiếu cơ sở vật chất cần thiết. Tỷ lệ giờ online trực tiếp giữa giáo viên và học viên trên mạng còn thấp, việc trả lời hướng dẫn phải được thực hiện nguội, thiếu phương pháp và đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Hiện nay vẫn còn không ít học viên chưa có hoặc chưa biết sử dụng máy vi tính, mạng Internet. Đây là một thực tế vô cùng khó khăn trong quá trình học tập.

Cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT thì hiện nay đang có tình trạng một số trường chạy theo số lượng, thành tích, phát triển quy mô quá nhanh so với khả năng đảm bảo chất lượng đào tạo, so với điều kiện về đội ngũ giảng viên và trợ giảng. Việc tổ chức đánh giá chất lượng còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy nhiều người còn hoài nghi về chất lượng ĐTTT, tâm lý học truyền thống vẫn còn ăn sâu trong người học.

Phương pháp và kỹ năng tự học là một trong những nhân tố quan trọng đem lại hiệu quả của loại hình đào tạo này. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức, tăng cường các phương tiện thiết bị, xây dựng một chương trình đào tạo chuẩn… là những việc cần làm để tạo nên một cú hích cho ĐTTT ở Việt Nam.

Giao Thủy – Báo Giáo dục & Thời đại
Sưu tầm: http://omt.vn